Suzuki đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ tại thị trường vốn bé nhưng ngày càng khốc liệt. Sự sụt giảm về doanh số, chiến lược sản phẩm thiếu thuyết phục và sức nén từ các đối thủ cạnh tranh đã khiến vị trí của Suzuki tại Việt Nam trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Liệu tương lai của thương hiệu này, có thể, sẽ đi về đâu?

Áp lực từ sự sụt giảm doanh số
Theo số liệu năm 2024, Suzuki Vietnam bán 10.262 xe, giảm 23% so với 13.317 xe của năm 2023. Đáng chú ý, sự sụt giảm mạnh nhất đến từ nhóm truyền thống - xe tải thương mại, 44%.
Tỷ trọng doanh số xe du lịch và xe tải Suzuki 3 năm qua, xe tải vẫn chiếm phần chủ đạo
Và với việc quyết định chính thức loại bỏ bộ đôi Swift - Ertiga sẽ khiến Suzuki mất đi 1.477 xe, tương đương 29% doanh số xe du lịch và 14% tổng doanh số trong năm 2025. Đây là một tổn thất không nhỏ, làm suy giảm đáng kể thị phần của hãng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Chiến lược sản phẩm thiếu dứt khoát
Một trong những điểm yếu lớn nhất của Suzuki tại Việt Nam là chiến lược sản phẩm chưa thực sự rõ ràng và hiệu quả. Hãng hiện không sở hữu mẫu xe nào dẫn đầu trong từng phân khúc. Trong những năm qua, các nỗ lực đổi mới như Grand Vitara hay Jimny đều không đem lại kết quả khả quan. Bên cạnh đó, việc giới thiệu Swift hybrid hay các dòng sản phẩm tiềm năng khác cũng bị kéo dài hoặc từ bỏ, khiến thị trường mất lòng tin vào sự đổi mới của Suzuki. Việc chỉ còn lại duy nhất XL7 với cái mác xe hybrid phổ thông bán chạy thứ nhì thị trường nhưng sản phẩm của Suzuki vẫn không thể cạnh tranh với Mitsubishi Xpander hay Toyota Veloz. Đặc biệt, trước làn sóng xe điện thì các dòng xe xăng truyền thống của Suzuki càng dễ bị gắn mác "lỗi thời", mất hẳn sức hút với khách hàng.
Những thách thức từ nguồn cung và định vị
Nguồn cung hiện tại của Suzuki bị giới hạn chủ yếu từ Indonesia và Ấn Độ, trong khi xe nhập khẩu từ Nhật Bản như Jimny, lại chịu thuế suất rất cao, khó lòng tạo nên sức hút đáng kể. Kể cả những mẫu xe được dự đoán tiềm năng từ Indonesia như S-Presso hay Baleno, hoặc từ Ấn Độ như Fronx hybrid, vẫn khó lòng cạnh tranh trong các phân khúc vốn đã bị các đối thủ khác thống trị. Đặc biệt, với mức giá tầm trung thấp, Suzuki khó tránh khỏi việc bị định vị là một thương hiệu "yếu ớt" khi đứng cạnh những cái tên tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc thậm chí Trung Quốc.
Tương lai nào cho Suzuki tại Việt Nam?
Những thách thức mà Suzuki đang đối diện là không hề nhỏ. Sự thiếu dứt khoát về chiến lược sản phẩm, cùng với doanh số giảm sút và áp lực cạnh tranh từ các đối thủ đã đẩy Suzuki rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ trong giai đoạn 2025-2026, khi làn sóng xe thuần điện và xe giá rẻ từ Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, cơ hội để Suzuki lật ngược tình thế sẽ ngày càng mong manh.
Doanh số các dòng xe Suzuki 3 năm qua đều giảm sút đáng lo ngại
Có lẽ đã đến lúc đặt ra một câu hỏi nghiêm túc rằng, liệu Suzuki có thể tiếp tục "đứng vững" tại Việt Nam, hay ngày chia tay sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian? Tương lai của Suzuki, đáng tiếc thay, đang mờ mịt hơn bao giờ hết trên thị trường ô tô nội địa.
BÌNH LUẬN