Cả Mercedes và BMW đều không vượt mốc 100 xe lăn bánh trong tháng 6; Lexus tiếp tục bứt tốc với khoảng cách gấp đôi đối thủ. Hai thương hiệu Đức đang mắc kẹt với chính thế mạnh của mình là xe CKD khi thuế trước bạ giống chiếc dao lam - mặt nào cũng là lưỡi sắc.
Người Đức đi xuống, người Nhật đi lên
Nửa đầu năm 2024 khép lại bằng việc chứng kiến hai nửa buồn vui trong nhóm Big4. Cả Mercedes và BMW đều ghi nhận mức sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 23% và 3%. Ở chiều ngược lại, cả Volvo và Lexus cùng có mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Có thể nói, bước ì của hai thương hiệu Đức chủ yếu đến từ lượng khách hàng đang chờ đợi quyết định giảm thuế khi tỷ trọng CKD models chiếm tới hơn 75% dải sản phẩm.
Trong khi đó mặc dù là xe nhập khẩu từ Nhật Bản với mức thuế cao chót vót nhưng tiền chưa bao giờ là vấn đề với khách hàng của Lexus bởi cứ có xe là có hợp đồng. Với Volvo, khuyến mãi sâu và kéo dài đã giúp thương hiệu này xuất hiện nhiều hơn trên đường phố, đồng nghĩa mức chi tiêu của nhóm khách hàng Thuỵ Điển cũng cần tái định vị so với thời kỳ cũ.
Nhìn chung bức tranh doanh số xe sang Q2 vẫn không lấy làm khả quan trước khi bước sang Q3 với mùa thấp điểm vào tháng 7 âm lịch. Dựa trên tốc độ bán hàng trung bình để dự báo doanh số năm, cả Mercedes và BMW đều sẽ gặp vô vàn khó khăn khi khoảng cách đều xấp xỉ 30% so với kết quả cả năm 2023. Volvo có thể sẽ thắng lớn theo kiểu thay tướng đổi vận nhưng với mục tiêu nội bộ thì vẫn còn đó một khoảng cách nhất định. Chỉ có Lexus vẫn tĩnh lặng đi tới và hoàn toàn có thể soán ngôi BMW trong năm sau.
Hỗ trợ thuế trước bạ - dao sắc hai bề
Có lẽ việc chậm trễ trong khâu tính toán thời điểm áp mức hỗ trợ 50% thuế trước bạ của bộ Tài chính đã khiến hai tay to là Mercedes và BMW bị sai lệch về kế hoạch sản phẩm cũng như bán hàng. Tuy nhiên thực tế này cũng lại chứng minh rất rõ ràng về nhận định của mình rằng hành vi của một bộ phận thuộc nhóm khách hàng xe sang đã thay đổi, ít nhất là trong giai đoạn này, khi giá trị sử dụng, giá trị hình ảnh của từng mẫu xe, từng thương hiệu đã trở nên rất rạch ròi. Quả thật chúng ta khó nghĩ tới một ngày nào đó, những người mua xe hạng sang cũng lại xếp hàng để chờ thuế giảm và thậm chí, thay đổi quyết định mua hàng chỉ vì con số 6 hay 12%.
Tất nhiên rồi thuế cũng sẽ giảm nhưng việc chững lại trong thời gian này sẽ như vết cắt sâu hơn vào tình trạng tồn kho VIN23 bởi nếu không xả tồn hết trước thời điểm tháng 7 Âm lịch (tức tháng 9 Dương lịch) thì mùa bán hàng cuối năm sẽ chứng kiến nhiều hơn những kịch bản đầy nước mắt: xe VIN23 sẽ tiếp tục phá thêm một khúc vào lợi nhuận bán hàng; khách hàng sẽ chọn mua xe VIN24 để tránh mất giá khi bước qua năm mới và những model mới đang chuẩn bị ra mắt cũng sẽ đẩy gía trị của model cũ về những nơi xa lắm ….
Có chuyên gia MKT cho rằng hãy cứ bình tĩnh vì ô tô trông chờ nhiều vào Q4 nhưng khi làn sóng tìm việc ở thời điểm giữa năm đang rất nóng, mặt bằng lương thưởng tụt hạ ngay chính trong ngành thì liệu có khả quan theo kiểu cứ tới vụ gặt là sẽ có thóc ăn?
Nửa năm khép lại cũng là thời điểm quan trọng để review performance cũng như business plan với bất cứ lĩnh vực nào. Tới lúc này cũng có thể mạo muội đánh giá năm nay coi như đã xé nháp với Mercedes thời kỳ hậu Brad hay Audi, Porsche với ngổn ngang xe tồn nằm cảng. Với các ông lớn trong top 4, sẽ khó để soán ngôi đầu của Ngôi sao ba cánh nhưng cuộc cạnh tranh giữa BMW và Lexus sẽ trở nên đầy thú vị và mang lại nhiều ý nghĩa cho những người làm xe. BMW đã và đang chi rất nhiều tiền để mang tới nhiều hơn những trải nghiệm cho khách hàng nhưng có lẽ sẽ chỉ giúp lấy thêm một chút nhỏ thị phần từ gã đồng hương. Volvo sẽ đối mặt với bài toán giảm giá giảm lợi nhuận khi về tay chủ mới. Chỉ còn Lexus là vẫn thế, ung dung như cách của chủ tịch hút xì gà.
----------
• Bài viết theo quan điểm cá nhân, không đại diện cho bên thứ 3
• Số liệu bán ra là lượng tiêu thụ tới người tiêu dùng của các đại lý, không phải của nhà phân phối/nhà nhập khẩu.
Nguồn: Quang Anh
BÌNH LUẬN