Lý lịch… ô tô

Trời Hà Nội vẫn nóng như cái lò hấp. Gã bạn vong niên bặt tăm lâu năm gọi ra quán café gần nhà kêu “nhờ ông tư vấn tí”.

Nghĩ bụng, gã làm dược liệu, mình phu chữ về xe cộ thì tư vấn quái gì.

 

Mút mát ly café, gã bảo, bỏ nghề viết nhảy sang làm dược liệu gần chục năm xem như cũng đạt vài thành quả. Tích cóp được ít tiền, tính mua cái xe ngon ngon thỉnh thoảng bầu đoàn thê tử “thoát tục”. Hành nhau trên cái bán tải mãi cũng mệt.

Tiêu chuẩn gã đặt ra với số tiền quanh 5 tỷ đồng là xe phải an toàn và đừng cùi bắp quá.

Mới nói, 5 tỷ dư sức mua xe sang rồi còn lo cùi bắp. An toàn thì ưu tiên Volvo. Cố lên dăm bảy trăm thì mua cái XC90 cho rộng rãi, không thì chọn XC60. Gã bảo, “nhưng tôi nghe nói Volvo là xe Tàu rồi mà”.

Oạch, lại thế.

Chuyện sau đó thì vòng vèo lắm, nhưng cũng chỉ quanh quẩn câu chuyện về lý lịch của mấy thương hiệu ô tô.

Số phận may mắn của Volvo

Tiện thể nói luôn về Volvo. Kể ra thì điều mà gã bạn tôi “nghe nói” cũng không có gì sai cả, dù quả thực nó đúng có gì đó… sai sai.

Điểm qua về 93 năm tuổi đời của Volvo xem thế nào.

Volvo khai sinh tại Thụy Điển vào năm 1927. Đến năm 1999, Volvo nhập tịch Mỹ và sinh sống trong gia đình Ford. Thời kỳ ấy, Ford và GM là hai gia đình được xem là danh gia vọng tộc trong ngành ô tô Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Tuy nhiên, do rơi vào khủng hoảng kinh tế nặng nề giai đoạn cuối thập niên 2000 nên thậm chí, gia đình Ford suýt nữa rơi vào phá sản.

Đến năm 2010, Ford buộc phải cho Volvo đi ở đợ gã nhà giàu mới nổi Geely bên Trung Quốc. Cái tiếng “xe Tàu” mà Volvo phải mang bắt đầu từ khi ấy.

Nhưng nếu cứ nhất định đổ tiếng “xe Tàu” cho Volvo thì kể cũng có phần nghiệt ngã. Đúng là Volvo giờ đang mang quốc tịch Trung Quốc, nhưng về linh hồn, Volvo vẫn giữ được đậm nét phong cách xứ Scandinavia.

Thậm chí, dù đã có hơn một thập niên sống với gia đình Ford song xét ra, Volvo vẫn chẳng nhiễm tí tẹo nào gọi là “kiểu Mỹ”.

Cái may mắn của Volvo là Li Shufu, chủ của Chiết Giang Cát lợi Tập đoàn (Geely), xác định ngay là để Volvo tiếp tục phát triển tự do. Nhưng điểm quan trọng nhất là Geely đã đổ thêm cả chục tỷ USD để nâng tầm Volvo thành một thương hiệu hạng sang.

Kết quả là, từ một anh chàng cơ bắp, khỏe mạnh và làm gì cũng… an toàn, Volvo nay đã khoác thêm lên trên mình những bộ cánh hàng hiệu, trang sức cao cấp và bóng bẩy.

Từ một anh chàng lận đận Bắc Âu, Volvo đã dần định vị mình vào giới thưng lưu và bắt đầu kiếm về cho Geely những khoản tài chính đáng kể.

Xe này là xe gì?

Giống như Volvo, cặp song sinh Anh quốc là Jaguar và Land Rover hiện giờ cũng đã thuộc về tập đoàn Tata (Ấn Độ).

Mà tính ra, trong ngành ô tô thế giới, thì xe Ấn có khi còn phập phèng hơn cả xe Tàu.

Ấn Độ vốn chẳng có tên tuổi gì trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới. Thậm chí, tiêu chuẩn xe ở Ấn Độ còn thuộc dạng tồi tàn nhất thế giới. Đó là do phong cách và nhu cầu dùng xe của đa số người dân xứ cà-ri.

Thế thì xe Ấn rõ ràng chẳng có gì đáng kể. Nếu cứ thẳng thừng áp tiêu chuẩn ô tô Ấn Độ thì than ôi, còn đâu là Jaguar hay Land Rover nữa.

May thay, hồn cốt của Jaguar Land Rover dường như vẫn còn đấy. Cặp song sinh này vẫn được định vị ở một tầng lớp khác hẳn, như những gã có chút dòng máu quý tộc thích lang thang.

Bởi vậy, nhìn vào khách dùng Jaguar Land Rover ta vẫn có thể ít nhiều nhận thấy những khác biệt.

Vậy nhưng, có những thương hiệu ô tô không được may mắn thế.

Những ngày này, thị trường ô tô Việt Nam đang xôn xao với sự trở lại của thương hiệu MG Cars.

Không may mắn như Volvo hay Jaguar Land Rover, MG Cars đang bị nhìn từ một góc độ khác.

Năm 2013, MG Cars đã từng rình rang vào Việt Nam nhưng liền mất hút sau đó mà không một lời giã biệt.

Nhà phân phối MG Cars luôn khẳng định đây là thương hiệu ô tô Anh quốc, mang đậm chất xe Anh. Nhưng người tiêu dùng lại nghĩ khác. Đa số họ luôn rất dễ nhìn thấy “chất” Trung Quốc ở các mẫu xe MG được đưa về Việt Nam.

MG Cars khai sinh ở Vương quốc Anh nhưng hiện nay đang thuộc quyền sở hữu của tập đoàn ôtô Thượng Hải (SAIC).

Nếu như Geely và Tata đầu tư vào Volvo và Jaguar Land Rover thì SAIC mua MG Cars về để kinh doanh. Đó có lẽ là điểm khác biệt đáng kể.

Dù vậy, sẽ là phiến diện và có thể có những bất công nếu nhất quyết gán mác xe “Tàu” cho MG Cars.

Cũng giống như câu chuyện lý lịch của con người vậy. Trong bản kê khai lý lịch, chúng ta có rất nhiều mục phải hoàn thiện. Thậm chí, có vài khái niệm mà không ít người khi khai lý lịch tỏ ra băn khoăn.

Chẳng hạn, nguyên quán và quê quán khác nhau thế nào? Hộ khẩu thường trú và nơi ở hiện tại khác nhau ra sao?

Tất cả những yếu tố đó chúng ta không thể thay đổi. Và về bản chất, chúng cũng đều có những ảnh hưởng nhất định đến nhân thân.

Nhưng rốt cuộc, điểm quan trọng nhất là chúng ta hiện nay thế nào.

Ô tô cũng vậy. Có không ít thương hiệu trải qua nhiều lần mua đi bán lại, tách rời rồi lại sáp nhập. Thành thử, cái xe cũng có “lý lịch” của nó.

Ví như MG Cars chính thức trở lại Việt Nam vào ngày 17/7/2020. Thương hiệu này ra đời ở Anh, thuộc sở hữu của doanh nghiệp Trung Quốc, lắp ráp tại Thái Lan (có thể vậy) và nhập khẩu về Việt Nam.

Vậy cuối cùng, MG Cars là xe Anh hay xe “Tàu”? Jaguar Land Rover là xe Anh hay xe Ấn? Volvo là xe Thuỵ Điển hay cũng lại “Tàu” nốt.

Nếu Land Rover vẫn cứ là Land Rover khi còn ở Anh thì chẳng ai coi nó là xe “ăn bốc” Ấn Độ, chẳng ai quan tâm đến chủ sở hữu của nó là ai.

Nhưng nếu một ngày xấu giời nào đó, Tata ngứa tay ngứa chân mang về Ấn Độ vọc vạch, sau đấy nhồi mấy ông quản gia ngành thép vào cầm nắm thì… chào nhé, Jaguar Land Rover.

Hoặc giả như MG Cars cứ một mực khẳng định là xe Anh nhưng mang ra dùng lại rất “Tàu” thì sao cứ phải vỗ ngực mình là xe Anh nhỉ?

Tóm lại là người tiêu cùng thông minh lắm. Còn nếu chưa thông minh thì cần thông minh lên. Vì có những ông nói thật nhưng cũng đầy ông mập mờ đánh lận con đen.

tin liên quan

BÌNH LUẬN

hot trend

Toyota Corolla Altis 'đội sổ' phân khúc hybrid tại Việt Nam

Toyota Corolla Altis bản hybrid gây chú ý khi chỉ bán được 1 xe duy nhất tại Việt Nam trong tháng 4.2024.

Haval H6 lại khuyến mãi sâu 150 triệu đồng, còn hơn 800

Mẫu CUV cỡ C lắp động cơ hybrid của Haval giảm giá 100 triệu đồng trong tháng 5, chưa kể hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ.

Đại lý Việt Nam thông báo nhận cọc Mitsubishi Triton 2024

Mới đây, nhiều đại lý của Mitsubishi đã thông báo nhận cọc mẫu Triton thế hệ mới tại Việt Nam. Thời gian ra mắt và giao xe dự kiến sẽ là tháng 9 năm nay.

Michelin đẩy mạnh thông điệp an toàn giao thông khi mùa mưa tới

Michelin Việt Nam mang đến cộng đồng hoạt động kiểm tra xe miễn phí, dành cho 400 phương tiện gồm xe bốn bánh và hai bánh.

Đại lý nhận cọc mẫu xe Atto 3, Seal và Dolphin tại Việt Nam

Được biết, mức cọc cho 3 mẫu xe này lần lượt là 30 triệu, 50 triệu và 20 triệu đồng.

Wuling Bingo rục rịch về Việt Nam, khó cạnh tranh VinFast VF 5

Ô tô điện Trung Quốc Wuling Bingo khi về Việt Nam được dự đoán có giá trên 500 triệu đồng, hướng tới cạnh tranh với VinFast VF 5.

Hyundai Grand i10 mới sắp về Việt Nam

Bản nâng cấp của mẫu hatchback cỡ A thuộc Hyundai dự kiến ra mắt trong tháng 6, vẫn lắp ráp trong nước tại nhà máy ở Ninh Bình.

Toyota Hilux 2024 tại Việt Nam có giá cao nhất hơn 1 tỉ đồng

Toyota Việt Namchính thức giới thiệu Hilux 2024 có giá lên tới hơn 1 tỉ đồng cho bản cao cấp.