Làn dừng đỗ khẩn cấp và chuyện ý thức lái xe
Trên các tuyến cao tốc và quốc lộ thường có một làn đường riêng nằm ở ngoài cùng bên phải. Đây là làn đường dành cho những trường hợp khẩn cấp và ngay tên gọi cũng đã thể hiện điều đó.
Thế nhưng, làn đường đặc biệt này lại thường xuyên bị chiếm dụng bởi không ít người lái xe vô ý thức và coi thường pháp luật, từ đó dẫn đến những hệ luỵ khó sửa chữa.
Dùng ý thức kém để mua hậu hoạ
Bức ảnh được một thành viên diễn đàn Oto+ chụp ngày 7/12 cho thấy điều gì? Một tình huống va chạm mà bản thân người lái xe vô ý thức, coi thường luật lệ tự gánh lấy hậu quả, đồng thời gây liên luỵ đến một chiếc xe khác đang sử dụng làn dừng đỗ khẩn cấp đúng luật.
Thử phân tích tình huống xem sao. Chiếc xe Ford Focus bị hỏng lốp và dừng tại làn khẩn cấp để thay lốp dự phòng. Khi đó, làn khẩn cấp được sử dụng đúng luật và đương nhiên, hành động dừng xe để thay lốp hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến giao thông.
Thế nhưng, người cầm lái chiếc Hyundai Accent lại sử dụng làn khẩn cấp để di chuyển, thậm chí dùng để vượt những xe khác. Khi gặp xe dừng khẩn cấp, người lái chiếc Accent liền đánh lái sang trái để tránh.
Vấn đề tiếp theo là kỹ năng lái xe yếu kém, khả năng quan sát tồi tệ khiến người lái chiếc Accent không nhận ra chiếc xe tải đi phía sau. Kết quả, kẻ vô ý thức tự gây tai nạn cho chính mình.
Tình huống thứ hai là video clip cũng do một thành viên Oto+ ghi lại bằng camera hành trình (mời xem tại link: ).
Chiếc xe Kia Morning vượt ẩu bên phải và lấn vào làn khẩn cấp. Đen đủi là chiếc xe này vượt từ đoạn có đường nhập làn và sau đó thu hẹp lại. Kết quả, chiếc Morning vượt ẩu xe tải và bị dải phân cách cứng ép vào, va chạm với xe tải đến mức bị xoay 180 độ. Dẫu sao, người lái chiếc xe này vẫn còn cơ hội sửa chữa bởi chưa bị nguy hiểm đến tính mạng.
Biến điều không thể thành đơn giản
Ảnh minh hoạ được chụp trên đường vành đai 3 trên cao thuộc địa phận Hà Nội. Đây cũng chính là con đường tôi thường xuyên về thăm quê và hầu như lần nào cũng gặp tình trạng giao thông kẹt cứng đầy phi lý.
Tại sao lại nói là phi lý? Cao tốc và đặc biệt là đường trên cao là những tuyến đường có rất ít điểm giao cắt. Kể cả khi có điểm giao cắt thì dải đường nhập làn và tách làn cũng luôn rất dài và an toàn.
Về nguyên lý, với những tuyến đường như vậy, xung đột giao thông sẽ hầu như không có. Khi tất cả phương tiện di chuyển đúng quy định thì sẽ không thể xảy ra xung đột giao thông và do vậy, ùn tắc sẽ không thể xuất hiện.
Vậy tại sao tuyến đường trên cao này lại thường xuyên kẹt cứng? Tôi nhẫn nại quan sát và nhận ra một thực tế là tình trạng ùn tắc đều xuất phát từ hiện tượng những người lái xe vô ý thức chiếm dụng làn khẩn cấp.
Chúng ta thử hình dung: Vài phương tiện di chuyển thẳng lên hướng cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn song lại sử dụng làn dừng đỗ khẩn cấp để vượt. Khi các phương tiện có lịch trình rẽ hướng xuống tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thực hiện chuyển hướng, hai dòng phương tiện này sẽ vắt chéo qua nhau tạo nên xung đột giao thông. Kết quả là ùn tắc xảy ra.
Cũng hoàn toàn không hiếm gặp những tình huống ùn tắc khác. Chẳng hạn ở hướng vào thành phố Hà Nội, quãng thời gian từ khoảng 16h chiều luôn có mật độ phương tiện rất lớn. Nếu các phương tiện cùng nhau di chuyển đúng luật thì tốc độ sẽ chỉ chậm lại chứ không thể kẹt cứng. Thế nhưng, những kẻ lái xe vô ý thức chiếm làn khẩn cấp đã tự biến điều không thể thành có thể.
Khi hai làn đường chính nhiều phương tiện di chuyển, rất nhiều xe khác liền lao vào làn khẩn cấp để vượt. Tuy nhiên, khi gặp một chiếc xe có sự cố dừng khẩn cấp, những phương tiện di chuyển sai luật liền rẽ hướng trở lại đường chính. Lúc này, các phương tiện khác buộc phải ùn lại, thậm chí nếu tránh nhau một cách vội vã, va chạm là tình huống rất dễ xảy đến.
Chúng ta cũng hoàn toàn dễ nhận thấy một thực tế phi lý là các tuyến đường nội đô càng rộng càng thường xuyên xảy ra ùn tắc. Tình trạng này đơn giản xuất phát từ tâm lý của nhiều người tham gia giao thông là đường rộng thì có thể thoải mái di chuyển. Do đó, họ thường có xu hướng không tuân thủ làn đường, di chuyển chéo nhau dẫn đến những xung đột giao thông.
Rõ ràng, ùn tắc hay tai nạn giao thông chủ yếu xuất phát từ ý thức kém của người lái xe chứ không phải vấn đề nằm ở phương tiện. Sự ích kỷ và vô ý thức chính là trở ngại lớn nhất cho một nền giao thông văn minh. Và hầu hết, chính những người vô ý thức và ích kỷ thường phải tự gánh lấy hậu quả đồng thời gây liên luỵ đến những người tham gia giao thông khác.
Làn dừng đỗ khẩn cấp: Sử dụng đúng cách và chế tài xử phạt
Đã từng có không ít những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do người điều khiển phương tiện sử dụng làn dừng đỗ khẩn cấp trên đường cao tốc sai quy định.
Vì vậy, ở bài viết này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu chức năng của làn dừng đỗ khẩn cấp và cách sử dụng đúng quy định, đồng thời nắm rõ các chế tài xử phạt để tránh những hệ luỵ.
Làn dừng đỗ khẩn cấp là gì?
Làn dừng đỗ khẩn cấp là làn đường đặc biệt chạy dọc theo toàn bộ tuyến đường cao tốc. Điểm nhận biết là làn đường này nằm ở bên phải ngoài cùng của đường và được tách biệt bởi vạch sơn liền màu trắng hay còn gọi là dải phân cách mềm (soft shoulder).
Thông thường, làn đường này sẽ có chiều rộng khoảng 3,3 mét, đủ để một chiếc xe tải lớn dừng đỗ khẩn cấp mà không lấn ra làn đường dành cho xe di chuyển.
Đây là làn đường riêng dành cho các phương tiện dừng đỗ trong trường hợp khẩn cấp như xe gặp sự cố, người lái xe gặp vấn đề sức khoẻ bất ngờ cần đến sự trợ giúp y tế và không thể tiếp tục lái xe.
Trường hợp đặc biệt, làn dừng đỗ khẩn cấp cũng có thể được sử dụng cho các loại xe ưu tiên như cứu hoả, cấp cứu, công an, hộ đê… di chuyển trong trường hợp khẩn cấp.
Theo quy định tại Điều 26 – Luật Giao thông đường bộ 2008, các phương tiện không được phép di chuyển ở phần lề đường và làn dừng đỗ khẩn cấp.
Sử dụng làn dừng đỗ khẩn cấp đúng cách
Khi gặp sự cố hoặc vấn đề sức khoẻ cấp bách, bạn cần bật đèn báo rẽ (xi-nhan) rồi nhanh chóng di chuyển vào làn dừng đỗ khẩn cấp. Ngay sau đó, bạn cần bật đèn Hazard (nút có hình tam giác màu đỏ) để thông báo cho các phương tiện khác về tình huống khẩn cấp của bạn.
Lưu ý là khi dừng đỗ ở làn khẩn cấp, bạn nên kéo phanh tay và cố gắng đánh vô-lăng thẳng hướng để tránh trường hợp xe phía sau mất phanh hoặc gặp sự cố đẩy xe của bạn lao vào làn đường di chuyển hoặc lao ra khỏi đường. Nếu nhận thấy bên ngoài đường không có gì nguy hiểm, bạn có thể để vô-lăng chếch một chút ra phía ngoài bên phải. Tất nhiên trường hợp bất trắc đó chỉ là hy hữu nhưng cẩn tắc thì sẽ vô áy náy.
Mặc dù đã bật đèn Hazard nhưng bạn cũng nên sử dụng cọc tiêu giao thông đặt phía sau xe của bạn với khoảng cách ít nhất 30 mét để cảnh báo sớm cho các phương tiện khác. Nếu không có sẵn cọc tiêu giao thông, bạn có thể sử dụng cành cây hoặc các vật dụng khác để thay thế.
Nếu có thể tự xử lý được sự cố của xe, bận cần xử lý nhanh hết sức có thể bởi những tai nạn trên đường cao tốc thường rất khốc liệt khi các phương tiện di chuyển với tốc độ cao. Tại Việt Nam, tốc độ di chuyển cao nhất trên các tuyến đường cao tốc từ 100-120 km/h.
Nếu sự cố cần đến trợ giúp, bạn cần quan sát xung quanh xem có các chỉ dấu của đường cao tốc không. Thông thường, ngành giao thông đường bộ luôn đặt sẵn các biển báo bên lề đường cao tốc. Các biển báo này thường có đầy đủ các thông tin hỗ trợ như toạ độ, vị trí nơi bạn gặp sự cố, số điện thoại cứu hộ khẩn cấp…
Quy định về xử phạt trên đường cao tốc
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, khi di chuyển trên cao tốc, các phương tiện không được cho xe chạy ở phần lề đường và làn dừng xe khẩn cấp.
Tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, những phương tiện di chuyển sai quy định ở phần lề đường và làn dừng đỗ xe khẩn cấp sẽ bị xử phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Thậm chí, nếu hành vi sử dụng làn khẩn cấp hoặc lề đường sai quy định dẫn tới tai nạn giao thông nghiệm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của người tham gia giao thông khác sẽ bị xử lý theo các quy định cụ thể của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, bạn cũng cần lưu ý một số quy chế xử phạt khác.
Chẳng hạn, nếu bạn điều khiển xe ô tô do buồn ngủ, mệt mỏi mà dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định trên đường cao tốc sẽ bị lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt từ 6-8 triệu đồng. Đồng thời, bạn còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
hot trend
Porsche 911 Dakar: Kiệt tác cuối cùng tri ân huyền thoại Paris-Dakar 1984
Bentley Continental GT 2025 First Edition: Biểu tượng xa xỉ đầu tiên cập bến Việt Nam
Những lưu ý quan trọng trước chuyến đi dài bằng ô tô điện
'GT' trên xe hơi: Đỉnh cao của phong cách và hiệu suất
Mua xe mới và xe cũ: so sánh để chọn lựa tối ưu
Volvo EC40 là mẫu ô tô thuần điện hạng sang có giá bán thấp nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay.
GAC M6 Pro hiện đang được bán với giá ưu đãi, dao động từ 699 - 799 triệu đồng, cho 2 phiên bản ở Việt Nam.
Hãng xe điện Việt Nam vừa chính thức bàn giao những chiếc VinFast VF9 đầu tiên cho khách hàng Mỹ.
BÌNH LUẬN