Có một Hà Nội cáu kỉnh và ích kỷ

Hà Nội đẹp, dịu dàng, thanh lịch và cũng chẳng kém phần mộng mơ. Có những Hà Nội rêu phong cũ kỹ và trầm mặc. Có những Hà Nội hào hùng, căng tràn niềm tin và hy vọng. Và có những Hà Nội 12 mùa hoa thơm hương khoe sắc.

Nhưng, cũng có thêm một Hà Nội đầy cáu kỉnh và ích kỷ. Đấy là Hà Nội ngoài đường phố. Nơi ấy, người ta sẵn sàng rũ bỏ những bao dung và thanh lịch để vội vàng, để chen lấn, để xô đẩy và để tranh cướp nhau từng vạch đường đi bộ, giành giật nhau từng giây đèn xanh đèn đỏ.

7 giờ sáng, khi những đứa trẻ vừa kịp ngồi trong lớp học thì đường phố Hà Nội cũng bắt đầu đổi tính, ồn ào và cáu bẳn.

Từng dòng xe đổ ra từ ngõ ngách, vội vàng lao dúi dụi vào đường lớn. Như những con suối miền núi luôn đổ vào sông mẹ một cách hấp tấp và lộn xộn. Nó khiến cho dòng chảy bị ứ lại, tràn vọt sang hai bên bờ.

Tiếng còi xe thúc giục loạn xạ. Ai cũng tỏ ra vội vàng. Kể thì cũng phải. Đó là giờ đi làm, không ai muốn mình bị muộn, để rồi bị khiển trách, bị trừ lương, hay đôi khi mất cả một cơ hội thăng tiến.

Đèn đường chuyển từ xanh sang đỏ. Một vài người dừng xe sát mép vạch kẻ đã đổi sang màu đất. Đèn đếm ngược vẫn còn hơn một phút.

Một tràng còi xe thúc dài vì chiếc ô tô dừng chình ình ở làn đường rẽ phải. Chiếc Mercedes bóng lộn liền vòng lên vạch kẻ dành cho người đi bộ, nằm vắt ngang trước mặt hàng xe dừng đèn đỏ từ trước đó. Một chị đẹp ngoái đầu nhìn lại nơi vừa phát ra tiếng còi đầy cáu bẳn.

Bấm xong hồi còi, chiếc taxi liền lao lên gấp gáp. Hóa ra chiếc taxi không rẽ phải. Nó thúc giục chỉ để chiếm chỗ dừng trước mặt người khác.

Giờ cao điểm, có vẻ như ai cũng muốn mình được ưu tiên. Họ thường tìm mọi cách để lao lên phía trước. Đèn cho người đi bộ vẫn xanh ngắt, nhưng khách bộ hành chỉ còn cách len lách qua từng khe nhỏ bởi phần đường của họ đã bị xe cộ chiếm hết.

Tuyến phố Nguyễn Trãi vốn dĩ rộng mênh mông là thế nhưng cảnh ùn tắc lại cơ bản và thiết yếu như cơm gạo. Từ xe ba gác, xe máy, ô tô con đến xe tải và cả những gã xe buýt to lù lù chạy đan chéo nhau như vắt sổ.

Người phụ nữ lái chiếc Honda LEAD màu vàng nâu bị xe buýt chạy tạt đầu, chị bóp phanh dúi dụi rồi ngã vật xuống đường. Gã đàn ông đi xe tay ga đắt tiền bị chặn ngang liền bấm còi thúc giục. Gã ghé vào nhổ toẹt “đi ngu như chó”. Gã bấm còi inh ỏi rồi lạng lách.

Nhường đường là một khái niệm có lẽ ngày càng trở nên xa xỉ vào giờ cao điểm.

8 giờ sáng, dòng người vẫn chật ních như nêm. Một chiếc Toyota Camry thò mũi xe ra từ trong ngõ. Tôi bật đèn hazard rồi dừng lại chờ chiếc Camry thoát ra. Anh tài xế kéo cửa kính và gật đầu cảm ơn.

Bữa nọ đi làm về bằng xe máy trên đường Tôn Đức Thắng. Một chiếc ô tô vòng qua dải phân cách để vào ngõ, có lẽ họ về nhà. Tôi dừng xe lại để nhường đường.

Thế nhưng, dòng xe phía sau vẫn tràn lên kèm theo những tràng còi dài cáu bẳn. Chờ mãi không vào được ngõ, chiếc ô tô đành nhích lên một cách thách thức. Kết quả là cả dòng xe phía sau ùn lại, còn tôi bị vài gã ngoái đầu hằn học.

Tôi chợt nhận ra rằng, trong mắt nhiều người thì nhường đường thực chất chỉ là một hành vi ngu ngốc.

Một buổi chiều tan tầm khác. Trời Hà Nội hầm hập như nhốt nhau trong một cái lò hấp khổng lồ. Cũng trên tuyến đường cũ, cũng ở những ngã rẽ quen thuộc. Người đàn ông trung niên khoác áo dân phòng đứng điều khiển giao thông. Dòng xe trên trục chính ùn lên như sông Hồng mùa nước lũ. Anh dân phòng tạm dừng dòng xe đi ra từ trong ngõ.

Người đàn ông chở đứa trẻ khoảng 7 tuổi, có lẽ là cháu nội ngoại gì đó, cố gắng lao vào dòng xe dày đặc trước mặt. Bị anh dân phòng chặn lại, người đàn ông liền chửi rủa và giơ nắm đấm thị uy. Nếu không được can ngăn bởi những người khác, có lẽ một cuộc ẩu đả cũng đã diễn ra.

Hằng ngày bị nhấn chìm vào những ồn ào và ích kỷ của giao thông Hà Nội, tôi vẫn không thể giải thích nổi vài hiện tượng rất đỗi bình thường.

Phố ken đặc xe cộ, những tiếng còi thúc cuống cuồng phía sau. Người đàn ông đầu đội mũ lưỡi chai lách lên, tay lái vùng vằng tách hai chiếc xe máy đi rất sát nhau ra. Gã len lỏi qua dày đặc xe cộ và khói bụi rồi vọt qua ngã năm Ô Chợ Dừa rộng mênh mông trong sự bất lực của các chiến sỹ cảnh sát giao thông.

20 phút sau, tôi lại gặp gã trên đỉnh cầu vượt vắt ngang ngã tư Thái Hà – Chùa Bộc. Gã vẫn bấm còi inh ỏi. Cầu vượt chật chội không đủ chỗ cho gã len lách. Gã liền nhảy sang chiếm phần đường ngược chiều từ phía Tây Sơn xuống Nguyễn Lương Bằng, bất chấp vài chiếc ô tô phải đứng khựng vì gã xộc thẳng vào đầu xe.

Rốt cuộc, ít lâu sau, tôi vẫn bắt gặp gã giãy giụa giữa dòng người trước cửa hầm chui Nguyễn Xiển. Lần này, gã phải chịu thua bởi vài chiếc xe bus chuyển làn.

Còi xe có lẽ là thứ đặc sản không ai muốn ăn trên cái mâm giao thông đầy hổ lốn của Hà Nội giờ cao điểm.

Người ta vẫn cứ bấm còi dù chẳng giải quyết được việc gì cả. Đôi lúc thầm nghĩ, đến tiếng còi xe cứu thương, cứu hoả đầy gấp gáp và nhân văn như thế nhưng rốt cuộc vẫn chẳng mấy người chịu nhường đường thì những tiếng còi đầy vô lý kia liệu có ích gì?

Tôi cam đoan rằng, ai sinh sống ở Hà Nội cũng đều hơn một lần bắt gặp những hiện tượng giao thông kẹt cứng chỉ bởi sự ích kỷ và ngu dốt của một vài người.

Khi cả dòng xe nhẫn nại di chuyển, chỉ cần vài chiếc xe tách ra chiếm phần đường ngược lại là y như rằng kẹt cứng. Họ không hề hiểu được rằng, khi họ chiếm mất lối thoát của chiều ngược lại thì cũng đồng nghĩa họ khoá luôn đường thoát của chính mình.

Nhiều khi nghe tiếng còi cứu thương từ phía sau, tôi tìm cách dạt lề từ sớm. Nhưng rồi 5 phút, 10 phút, 15 phút, tiếng còi cứu thương vẫn xa xôi và bất lực. Dòng xe vẫn vắt chéo nhau. Thậm chí, chiếc xe cứu thương dúi sát phía sau nhưng vài chiếc ô tô vẫn nhất quyết giữ làn của mình. Rốt cuộc, chiếc xe làm nhiệm vụ cứu người buộc phải len lách qua một biển xe cộ đặc quánh.

Ngay chiều hôm qua thôi, khi tôi cùng một nhóm hành khách kéo vali đi bộ từ cửa sân bay ra làn xe chờ ngoài cùng, chiếc taxi Mai Linh bấm còi inh ỏi và thậm chí dúi thẳng vào giữa dòng người. “ĐM chúng mày, mù câm điếc hết à?”, gã tài xế lẽ chừng khoảng 50 tuổi liền thò đầu ra chửi rủa.

Vâng, con người ta có thể văn minh, hiểu biết ở trên mạng xã hội, ở nơi ngồi chém gió hay ở đâu đó họ có thể sỹ diện, làm màu. Nhưng, con người ta, tất nhiên không phải số đông, vẫn cáu bẳn, vô ý thức và ích kỷ khi ra ngoài đường phố.

tin liên quan

BÌNH LUẬN

hot trend

Hyundai Santa Fe 2025 về Việt Nam mạnh 280 mã lực, không còn máy dầu

Hyundai Santa Fe 2025 khi về Việt Nam sẽ không còn tùy chọn máy dầu. Thay vào đó là động cơ hybrid.

VinFast bổ sung gói thuê pin mới cho VF 5 Plus: Chỉ từ 1,2 triệu đồng/tháng

VinFast công bố bổ sung thêm gói thuê pin mới với mức phí chỉ từ 1,2 triệu đồng/tháng cho VF5 5.

Vietmap gây tranh cãi khi dừng bản đồ trọn gói, chuyển sang dạng thuê bao

Vietmap dừng hỗ trợ bản đồ S2, ép người dùng chuyển sang Vietmap Live.

Ô tô Trung Quốc chất đống, gây tắc nghẽn cảng biển châu Âu

Các hãng ô tô Trung Quốc đang biến những cảng biển Châu Âu thành bãi đậu xe.

VinFast hợp tác 12 đại lý mới tại Mỹ

12 đại lý mới vừa được VinFast công bố hợp tác tại thị trường Mỹ.

Xe điện Aion Y về Việt Nam, có gì để cạnh tranh VinFast?

Không có trạm sạc nhanh là bất lợi lớn nhất của xe điện nói chung và Aion Y nói riêng khi về Việt Nam.

VinFast triển khai chương trình thu cũ - đổi mới ô tô điện

VinFast kết hợp với Chợ Tốt thu mua xe ô tô cũ, đổi xe điện mới cho khách hàng.