Porsche không đầu tư cho một thế hệ mới của Boxster và Cayman với động cơ đốt trong, tương tự như với Macan. Nói cách khác, các "dân chơi" Zuffenhausen đã sẵn sàng để ba trong số những chiếc xe xăng Porsche phổ biến nhất lùi vào quá khứ.
Thực tế, 718 lúc này đã dừng cuộc chơi ở châu Âu do Quy định an toàn chung (GSR2), vừa có hiệu lực tuần trước khiến việc giữ Boxster và Cayman tại Lục địa già trở nên "bất khả thi". Giám đốc sản xuất của Porsche Albrecht Reimold cho biết, chiếc Boxster và Cayman cuối cùng với động cơ xăng sẽ được lắp ráp vào giữa năm 2025. Macan - dù đã biến mất ở châu Âu do luật GSR2 - sẽ vẫn được sản xuất cho đến năm 2026 để đáp ứng các thị trường khác.
Tuy con đường phía trước rõ ràng, doanh số cho thấy quyết định loại bỏ ba chiếc xe xăng phổ biến là một ván cược lớn đầy rủi ro của Porsche. Điều này phản ánh qua thực tế nhiều ông lớn trong ngành đã có xu hướng "quay xe" với trào lưu điện thuần tuý hoặc chọn lối an toàn (nhưng tốn kém) là đa dạng hoá sản phẩm.
Vì sao? Năm 2023, Porsche giao 87.355 chiếc Macan cùng 20.518 chiếc Boxster và Cayman cho khách hàng. Như thế, 718 và Macan chiếm hơn một phần ba doanh số, và tình hình vẫn được duy trì trong nửa đầu năm 2024. Sáu tháng qua, Porsche bán được 39.167 chiếc Macan, trong khi những chiếc xe thể thao thế hệ 982 bàn giao được 11.886 chiếc, trên tổng số 155.945 xe "ra đường".
Thứ đến, là đam mê. Boxster và Cayman EV sẽ ra mắt vào năm 2025. Nhưng điều này đặt ra câu hỏi: Liệu những người đam mê Porsche có hào hứng lên với sự vắng mặt của động cơ đốt trong? Ngồi xổm trên mô tơ điện cũng có nghĩa quay lưng với hộp số sàn - trừ khi bạn chơi thân với Toyota lúc này.
Như thế, bất kể tối ưu hoá tốt tới đâu, Porsche hoàn toàn có thể sẽ mất lượng lớn khách hàng chỉ muốn mua một chiếc xe hiệu suất cao với động cơ đốt trong thuần chủng. Đây cũng là bài học mà Mercedes-Benz đã cay đắng nhận ra sau khi kinh doanh C63 S E Performance với bốn cuộn giấy vệ sinh. "Only juice and milk come in 2.0 litre!" - okay...
Giá thành cũng là một vấn đề, khi Macan thuần điện chứng kiến chênh lệch tới 16.000 USD "sàn" giữa hai phiên bản xăng và điện. Con số này không nhỏ ngay cả với các dân chơi, và cũng cho thấy giải quyết bài toán lợi nhuận chắc chắn là thử thách với Porsche.
Nói chung, tôi chỉ hi vọng là Porsche một ngày nào đó sẽ không phải viện tới Toyota, vốn đã có những giải pháp "điện giả lập xăng" cho xe thể thao phải nói là thật sự xuất sắc, gần tới ngưỡng hoàn hảo...nhưng vẫn đang giấu hàng đằng sau cánh cửa trung tâm thử nghiệm bí ẩn tại Shimoyama.
Nguồn: Nguyễn Thúc Hoàng Linh
BÌNH LUẬN