VinFast Fadil – Khoản “đặt cọc niềm tin” cho ô tô Việt

Những kết quả kinh doanh thành công mà VinFast Fadil gặt hái được thời gian qua giống như khoản “đặt cọc niềm tin” của người tiêu dùng cho ngành ô tô Việt Nam từng bị ngờ vực.

Tháng 5/2020, VinFast Fadil có lần đầu tiên xuất hiện trong Top 10 xe ô tô bán chạy nhất Việt Nam. Kể từ đó đến nay, mẫu xe thương hiệu Việt thường xuyên góp mặt ở bảng xếp hạng ô tô đắt khách nhất.

Cộng dồn cả năm 2020 vừa qua, VinFast Fadil thậm chí đã chiếm chắc ngôi vị xe bán chạy thứ 3 trên toàn thị trường, đạt tổng sản lượng bán hàng hơn 18.000 chiếc, vượt xa những mẫu xe đình đám như Hyundai Grand i10, Ford Ranger, Mazda CX-5 hay Honda CR-V…

Gần đây nhất, vào tháng 2/2021, VinFast Fadil đã chính thức soán ngôi vương doanh số với lượng xe bán ra đạt hơn 1.000 chiếc.

TỪ NIỀM TIN TẠM ỨNG…

Tháng 9/2017, VinGroup công bố sản xuất ô tô đạt tiêu chuẩn châu Âu. Ngay lập tức, những ánh mắt nghi ngờ đã đổ dồn về tập đoàn kinh tế trong nước vốn có thế mạnh ở mảng bất động sản nghỉ dưỡng. Mặc kệ, cụm nhà máy VinFast đã nhanh chóng mọc lên tại Hải Phòng.

Hơn một năm sau, trong khi không ít người vẫn còn nghi ngại hoặc có thể đã quên đi một kế hoạch bị cho là viên vong thì VinFast chính thức giới thiệu ra thị trường 3 mẫu xe ô tô đầu tiên: Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0.

Sự kiện ra mắt xe đầy ồn ào giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội thu hút hàng chục nghìn người. Khi ấy, có lẽ không ít người trong số đó đến tham dự cũng chỉ để thoả chí tò mò.

Vài ngày sau đó, VinFast công bố đã có hàng nghìn khách hàng đặt mua xe ô tô VinFast, nhiều nhất là mẫu xe cỡ nhỏ Fadil.

Bạn tôi, anh Phạm Vũ Tùng, một chuyên gia ô tô - xe máy và marketing, truyền thông khi ấy đã đúc kết hiện tượng khách hàng đặt mua xe VinFast bằng một câu rất hay: Tạm ứng niềm tin.

Trong mối ngờ vực của nhiều người, bao gồm cả những chuyên gia trong ngành, thì việc hàng nghìn khách hàng đặt mua xe VinFast, một thương hiệu xe non trẻ và “thuần nội”, rõ ràng chỉ được xem là tạm ứng niềm tin.

Họ tạm ứng để kỳ vọng vào một tương lai của công nghiệp ô tô trong nước vốn đã có hơn hai thập kỷ thất bại trong tay các liên doanh đình đám.

Họ tạm ứng niềm tin là bởi khi ấy, chưa ai có thể chứng minh được chất lượng thực sự của những chiếc xe nội VinFast. Ô tô là sản phẩm của một ngành siêu công nghiệp và vì vậy, chất lượng chỉ được khẳng định sau quãng thời gian vài năm sử dụng, ít nhất là hết thời hạn bảo hành.

Tạm ứng có nghĩa là khách hàng hoàn toàn có thể đòi lại và thương hiệu VinFast hoàn toàn có thể biến mất nếu không đáp ứng được kỳ vọng, không khẳng định được những hứa hẹn và cam kết của mình.

… ĐẾN ĐẶT CỌC CHO TƯƠNG LAI

Có thể nói rằng, nếu những khách hàng đầu tiên đặt mua xe VinFast cách đây 3 năm đã “tạm ứng niềm tin” thì nay, những khách hàng mới mua xe VinFast đang “đặt cọc” cho tương lai của hãng xe Việt, cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Từ giữa thập niên 1990 cho đến khi VinFast khẳng định được vị thế, công nghiệp ô tô Việt Nam đã trải qua 25 năm loay hoay lắp ráp với sản lượng thấp, tỷ lệ nội địa hoá gần như không có. Thậm chí, mỗi mẫu xe mới muốn được đưa về Việt Nam, các liên doanh phải trầy trật để thuyết phục tập đoàn mẹ “cho phép”.

Nhìn sang VinFast, mọi chuyện hoàn toàn khác. Những sản phẩm của hãng xe Việt đều có dấu ấn của chính người tiêu dùng khi các bản vẽ thiết kế được công khai xin ý kiến đánh giá trước khi đi vào sản xuất.

Các mẫu xe mới liên tiếp ra mắt một cách gấp gáp và nhanh đến chóng mặt.

Mới đây nhất, VinFast đã công bố 3 mẫu xe ô tô điện có chức năng tự hành cấp độ 2 và 3. Biết rằng, xe điện tự hành vẫn đang là nhóm sản phẩm mà bản thân các hãng xe lớn của thế giới nỗ lực hoàn thiện. Xe điện tự hành cũng chỉ đang là tương lai chứ chưa hề phổ cập.

Trước khi VinFast ra đời, hẳn vô số người khẳng định rằng với xuất phát điểm của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ngành cơ khí còn yếu, ngành công nghiệp hỗ trợ còn thiếu… thì làm ô tô là rõ nét viển vông.

Còn nếu nhìn ra xa hơn, sản xuất kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận, thì xem ra nhiệm vụ của VinFast là bất khả thi.

Có một chi tiết khá lạ kỳ nhưng lại cho thấy tương lai của công nghiệp ô tô Việt với người mở đường là VinFast.

Mẫu xe đắt giá nhất hiện nay của VinFast là President có ít nhiều điểm tương đồng với Lexus LX570. Khoang nội thất của VinFast President lại có phần hơi thô mộc không giống một chiếc SUV full-size hạng sang.

Tại sao lại như thế? President ra đời là để dành cho chính ông chủ của VinFast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Bởi vậy, việc nó mang dấu ấn cá nhân của vị tỷ phú này cũng là rất dễ hiểu. Và cũng vì thế, President chỉ được sản xuất vẻn vẹn 500 chiếc.

Từ Fadil đến President và bộ 3 xe điện tự hành cho ta thấy điều gì?

Thứ nhất, làm công nghiệp ô tô lúc này dù có là muộn mằn đi chăng nữa thì cũng không phải là không thể. Fadil đang chứng minh điều đó.

Thứ hai, làm công nghiệp ô tô không chỉ để tìm kiếm lợi nhuận trên chính những chiếc xe. Ô tô là siêu công nghiệp, phía sau nó là hàng nghìn doanh nghiệp hỗ trợ và dịch vụ khác; phía sau nó là hàng chục nghìn nhân công trình độ cao… Không phải ngẫu nhiên mà dù gặp vô vàn khó khăn song Chính phủ các nước trên thế giới, như Mỹ hay Nhật Bản chẳng hạn, nhất định không để các tập đoàn ô tô lớn phá sản. Ô tô chính là xương sống của nền công nghiệp mỗi quốc gia. Bởi vậy, quyết tâm làm công nghiệp ô tô có tầm nhìn rộng hơn nhiều.

Thứ ba, nếu nói dựa trên quan điểm cá nhân và bàn luận kiểu trà dư tửu hậu thì ô tô VinFast không chỉ là những chiếc xe, nó là hy vọng và tinh thần của người Việt. President mang dấu ấn cá nhân của ông chủ VinFast, nó được sản xuất cho chính ông chủ VinFast. Thế thì, việc sản xuất ô tô VinFast để đưa Việt Nam lên bản đồ công nghiệp thế giới cũng là một dấu ấn, một niềm tự hào.

Một câu chuyện ngoài lề thế này: Trong một lần trò chuyện với Chủ tịch tập đoàn Thaco Trần Bá Dương, ông có tâm sự rằng trước khi quyết định làm nhà máy ô tô ở Chu Lai (Quảng Nam), khối tài sản của ông khi ấy dư sức cho cả 3 thế hệ nhà ông sống dư dả tại Mỹ. Nhưng tại sao ông vẫn quyết định đầu tư vào vùng đất miền trung lúc đó chỉ toàn cát trắng để có được cơ ngơi như ngày nay. Khi trò chuyện, ông Trần Bá Dương đang mặc chiếc áo công nhân.

Trở về với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, câu chuyện cũng tương tự như vậy. Nhiều khi, phía sau mỗi sản phẩm ra đời trong mối ngờ vực là cả những câu chuyện dài đầy thú vị về niềm tin và hy vọng.

tin liên quan

BÌNH LUẬN

hot trend

VinFast Fadil: Xe cũ giữ giá tốt nhất phân khúc hạng A

Người sở hữu VinFast Fadil khi bán lại không chịu "lỗ" nhiều như các mẫu khác cùng phân khúc.

Liên tục giảm giá tại Việt Nam, Haval H6 vẫn ế ẩm

Hầu như tháng nào cũgn giảm giá 'khủng' nhưng Haval H6 không mấy được chú ý tại Việt Nam.

Doanh số ế ẩm, Lynk & Co 01 giảm giá 131 triệu đồng

Lynk & Co 01 của Geely đã được điều chỉnh giảm giá mạnh lên đến 131 triệu đồng.

GAC M6 Pro sắp về Việt Nam, đấu Toyota Innova

GAC M6 Pro - mẫu MPV 7 chỗ hấp dẫn - sẽ chính thức ra mắt tại triễn lãm Ôtô Việt Nam (VMS) 2024 tại TP.HCM.

Đại lý xe tua đồng hồ ODO của 216 chiếc, gian dối 23 triệu km

4 triệu dặm (tương đương 22,6 triệu km) đã bị một đại lý bán xe cũ tại Mỹ "tua ngược" đồng hồ đo quãng đường (odo) của ít nhất 216 chiếc xe

Volkswagen Touareg bổ sung phiên bản Elegance Plus tại Việt Nam

Volkswagen Touareg vừa có thêm phiên bản mới Elegance Plus tại Việt Nam trước khi bước sang bản nâng cấp giữa vòng đời.

Cầm lái Porsche 911: biểu tượng bất diệt của thế giới xe thể thao

Porsche 911 là một trong số ít những cái tên khi sở hữu, chủ nhân của nó không bao giờ sợ chiếc xe bị lạc hậu.

Khám phá chiếc ô tô điện đầu tiên của nhân loại

Xe điện đã phát triển không ngừng trong suốt hơn một thế kỷ, và đến nay, chúng đã trở thành một phần không thể thiếu trong nỗ lực hướng tới một môi trường xanh hơn.