Khi bắt đầu những chuyến lái xe xuyên Việt đầu tiên, những năm 2000s, tôi đã bắt đầu ghé qua Phan Rang. Ngoài biệt danh nổi tiếng “Nắng như Rang, gió như Phang”, vùng đất khô nhất Việt Nam này với tôi còn có 2 ấn tượng khác, là : đồ ăn dở ẹc (cả kiểu Việt truyền thống như canh chua, cá kho tộ đến đồ Tây như cừu nấu nho) và nilon rác bẩn phấp phối dọc đường, vướng cả vào những cụm cỏ gai và đôi khi còn là…thức ăn cho mấy con bò gầy giơ xương sườn! Và vì kẹp giữa hai vùng du lịch đi sớm nhất trong khu vực lẫn cả nước là Mũi Né và Nha Trang, nên Phan Rang càng chả có lý do gì giữ tôi ở lại.
Ám ảnh Phan Rang ngày đến ấy còn theo tôi tới tận khi đánh tay lái vào nơi nghỉ lại có cái tên thật là… quê mùa giữa thời đại mà hầu hết các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, thậm chí cả homestay ở quê ta đều đặt theo tên Tây hết cả : HOÀN MỸ. Mới nghe lại còn tưởng nằm trong hệ thống cái bệnh viện nữa!
Thế mà người quê chính hiệu lại là tôi.
Không chỉ thích thú với chiều cao khiêm tốn của khu nhà, sự hiện đại, sang trọng nằm trong vẻ giản dị, gần gũi, tôi đặc biệt ấn tượng với những giá trị địa phương được chăm chút, tôn vinh ở đây. Một nhà ăn sáng có tên là GIÓ, nơi tôi vui vẻ bỏ quầy buffet đồ Tây quen thuộc trong các bữa sáng để quanh quẩn suốt ở khu đồ ăn địa phương, hôm bún riêu hôm bún sứa, rồi bánh căn, bánh xèo, bánh hỏi – hương vị thật tươi ngon, rồi nho tươi Thái An, táo Gió Ninh Thuận. Và một bữa tiệc tối trên thảm cỏ xanh với đầu bếp tại chỗ còn bất ngờ hơn nữa- vì không còn là những món truyền thống địa phương, nói cho chính xác, từ nguyên liệu 100% địa phương (sứa, cá mú rạn, tôm biển con to con nhỏ, cừu Ninh Thuận) được chế biến theo phong cách Việt với 100% gia vị Việt nhưng với kỹ thuật pha trộn bếp Âu và được bày biện một cách duy mĩ như người Nhật! Ẩm thực này phải gọi là... Michel Phan Rang mới xứng.
Lẽ ra tôi đã không quê như thế nếu biết trước rằng bếp trưởng của bữa tối ấn tượng ấy, hiện cũng là người quản lý của Hoàn Mỹ resort Phan Rang vốn là một master chef từng tốt nghiệp trường Nghệ thuật ẩm thực Paris Ferrandi danh tiếng và có nhiều năm làm việc tại các nhà hàng, khách sạn tiêu chuẩn 2-3 sao Michelin ở Paris. Alain Nguyễn Hiếu trở về Việt Nam năm 2006, làm việc cho các khu nghỉ dưỡng sang trọng như Victoria, Annatara..., cho tới khi xây dựng một chốn của chính mình, mang tên Việt, được thiết kế bởi kiến trúc sư Ý kết hợp phong cách châu Âu với sự tối giản của Nhật Bản, ở vùng đất mà anh cảm nhận hết 3 chữ KH của nó : Khô, Khó, Khổ và quyết định sẽ gắn bó ở đây trọn đời.
Tôi còn có thêm may mắn được bám càng Alain Nguyễn trên chiếc thuyền gỗ đi một vòng trên đầm Nại (không phải Thị Nại nhé) vào sáng sớm trước khi hành trình ngày mới lại bắt đầu, lắng nghe ước mơ giản dị mà thật sự to lớn anh đang xây trên mảnh đất còn nghèo khó này, với mục tiêu để người dân đầm Nại có thể giàu lên, mà giàu đều chứ không phải có người cực giàu, từ những con hàu được nuôi sạch bằng nguồn nước vào ra liên tục hàng ngày theo thủy triều- đặc sản của đầm Nại. Và giữ môi trường đầm Nại tránh bớt nguồn ô nhiễm...
Vậy đấy, cứ tưởng mình đi đã nhiều, biết đã lắm, vậy mà có biết bao điều mới mẻ, quý giá, bao câu chuyện thú vị, những con người hay ho ở đâu đó xung quanh ta mà ta không hề hay biết, không biết trân trọng.
Vậy đấy, tôi đã bước vào hành trình Hương vị Vietnam với chiếc Lexus, như đã nói ban đầu không chờ đợi những bất ngờ, mới mẻ ở những miền đất mình đã qua biết bao lần. Và bắt đầu từ Phan Rang, như thế đấy. Bạn có thể nhận ra tất cả trong những bức hình này là 100% ở nơi khô, khó, khổ nhất Việt Nam không?
BÌNH LUẬN